Khoảng 6 giờ sáng tại con hẻm nhỏ ở đường Thống Nhất (Q.Gò Vấp,ụbàtuổibánxôiđưacháunộimồcôichavàođạihọnổ hũ disco night TP.HCM) bà Sa đã sửa soạn mở bán, liền có khách ghé qua gọi: "Nội ơi, cho con 1 hộp xôi xéo".
Xe xôi nuôi cháu
Sáng sớm, chúng tôi ghé xe xôi của bà Sa và gọi 2 hộp, giá chỉ 10.000 đồng/hôp. "Nhiều khách tới mua kêu sao mà rẻ thế, hỏi sao tôi không tăng giá. Sao mà tăng giá được. Mình bán rẻ cho người ta có ăn, rồi người ta cũng thương lại mình mà ủng hộ", bà vui vẻ bộc bạch.
Mỗi ngày, bà Sa tự chuẩn bị nấu xôi từ 8 giờ tối rồi ngủ chập chờn canh mấy nồi xôi là trời sáng. Xe xôi của bà gọn gàng, đầy ắp các món từ xôi xéo, xôi gấc, xôi đậu đen, xôi lá cẩm, xôi bắp... ăn kèm với đậu phộng, đường và dừa nạo. Bà luôn hỏi kĩ khách: "Để đường riêng hay chung? Con ăn dừa nạo không?".
Mỗi ngày bà nấu khoảng 14 lon sữa bò gạo nếp mỗi loại. Chừng 8 giờ, nhiều khách đến phải ngậm ngùi về tay không vì đã hết xôi. Anh Lê Minh Tùng (32 tuổi, Q.Gò Vấp) là khách quen của xe xôi bà Sa, chia sẻ: "Muốn ăn xôi của cô Sa thì phải dậy sớm mới có mà ăn. Đến trễ, may thì còn gì ăn nấy, xui thì nhịn ăn. Chỉ mong cô khỏe mạnh để nấu nhiều xôi hơn cho tôi được ăn hoài".
Ở tuổi lý ra được nghỉ ngơi, bà Sa vẫn phải vất vả mưu sinh hằng ngày. "Tôi để 2 cháu tập trung học hành. Tụi nó rảnh thì cũng phụ tôi nhiều lắm. Tôi bán thế này chủ yếu để cháu ăn học mừng vì 2 cháu luôn tập trung hết sức việc học", bà tâm sự.
Ngày càng già yếu, tay chân không linh hoạt nên bà làm khá chậm. Tuy vậy khách nào cũng vui vẻ đứng đợi, không ai hối bà. Thậm chí có khách quen còn sẵn sàng đứng phụ bà múc xôi. Chị Lê Ngọc Linh (35 tuổi, Q.Gò Vấp) vừa mua xôi vừa trò chuyện: "Mua xôi của bà vì ngon là một, mà thương bà là mười. Nhìn bà già yếu đứng bán thấy thương lắm. Mà xôi của bà ngon, dẻo thơm lắm". Bà bán xôi đến nay đã gần 36 năm.
"Mong sau này cháu thành công"
Khi cháu gái lên 2 tuổi, cháu trai còn đang chập chững tập đi thì con dâu của bà bỏ đi khiến 2 chị em bơ vơ. Rồi 3 năm sau, con trai của bà bị bạo bệnh qua đời. Từ ngày đó, dù nắng dù mưa bà Sa đẩy chiếc xe đi bán xôi dạo, có lúc phải mang theo 2 đứa cháu nhỏ.
"Tôi đã hứa với cha cháu phải nuôi 2 đứa cho nên người. Tôi ráng bán để nuôi sao cho 2 cháu ăn học thành tài, sau này đỡ khổ", bà Sa tâm sự. Không phụ lòng bà, cô cháu gái Trần Thị Hoài Trinh suốt 12 năm liền là học sinh giỏi, năm nay đã là sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM.
Bà kể: "Ngày trước có lúc bán ế, tôi không có tiền mua sữa, mua đồ ăn cho cháu. Tôi còn nghĩ hay là bán máu để có tiền trang trải. May mắn được một bà bạn cho mượn 500.000 đồng mà gồng gánh được qua giai đoạn khó khăn". Giờ đây khi cô cháu gái đã đạt được ước mơ vào đại học, những khoản chi phí cần nhiều hơn nên bà Sa cố gắng nấu nhiều xôi hơn. "Tôi ráng bán đến khi nào không bán nổi nữa thì mới nghỉ", bà cười nói.
Cô Nguyễn Thị Thành (Q.Gò Vấp, 65 tuổi) thấy bà già yếu nên hằng ngày ra bán phụ, chia sẻ: "Thấy bà một mình nuôi 2 đứa cháu từ lúc còn nhỏ xíu đến bây giờ tôi thấy thương cho hoàn cảnh 3 bà cháu lắm. May mắn bây giờ xe xôi đông khách, 2 đứa thì học giỏi, ngoan ngoãn tôi cũng mừng cho bà. Thấy đông quá bà bán không kịp nên tôi cũng ráng giúp".
"Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện cho cháu nghỉ học dù khó khăn như thế nào". Ánh mắt bà ánh lên niềm tự hào vô bờ khi nhắc đến cháu: "Cháu tôi học giỏi lắm. Sau này đời nó sẽ tốt hơn". Với bà Sa, 2 cháu là động lực, là niềm tự hào để bà tiếp tục mưu sinh.